Lịch sử truyền thừa - Tào động ở Đàng trong
Ở Ðàng Trong Ðại Việt, người đầu tiên truyền bá thiền Tào Ðộng có lẽ là thiền sư Hưng Liên. Ông lập đạo tràng ở chùa Tam Thai Quảng Nam và được tôn làm quốc sư. Chương trước đã nói về ông. Tiếc là hiện nay chưa khảo cứu được về công trình hoằng pháp và sự truyền thừa của ông. Chùa Tam Thai bị đổ vỡ hủy hoại trong cuộc chiến tranh vào cuối thế kỷ thứ mười tám, tài liệu thất lạc hết. Chùa này được trung tu năm 1825 đời vua Minh Mạng.
Thiền sư Thạch Liêm hiệu Ðại Sán Hán Ông, người Giang Tây, sinh năm 1633, xuất gia hồi thiếu niên ở chùa Thượng Lam, theo hầu thiền sư Giác Lãng(89). Năm mười sáu tuổi Giác Lãng Giác qua đời, không biết ông đã được tiếp tục và Thụ giới với vị nào. Sau ông nhập chúng làm giảng sư chùa Trường Thọ ở Quảng Ðông do thiền sư Thực Hành trú trì. Sau khi Thực Hành mất, ông được thừa kế trú trì chùa Trường Thọ. Nhờ tài hội họa và kiến trúc sẵn có, Thạch Liêm đã biến chùa Trường Thọ thành một nơi danh thắng ở Quảng Ðông.

Theo lời đề nghị của quốc sư Hưng Liên, chúa Nguyễn Phúc Trăn đã hai lần mời ông sang Ðại Việt, nhưng ông chưa đi được. Mãi đến năm 1694, khi chúa Nguyễn Ðăng Chu cho người sang mời ông mới quyết định ra đi. Cùng đi với ông có độ một trăm người, trong đó hơn phân nữa là tăng chúng. Ðoàn người đi trên hai chiếc thuyền buôn mang theo rất nhiều pháp khí kinh tượng để tổ chức giới đàn. Thuyền của ông tới đảo Tiêm Bút La vào ngày 27 tháng giêng năm Ất hợi (1695). Chúa Nguyễn Phúc Chu cho thuyền đi đón, rước về định cư ở chùa Thiền Lâm, Thuận Hóa(90). Khoảng một ngàn người thợ làm việc trong ba ngày đêm, cất mười gian phương trượng và lưu xá cho đoàn tăng khách tạm trú.

Trong những công tác mà Thạch Liêm đã thực hiện được trong thời gian lưu trú tại Ðàng Trong, có thể nói rằng công tác quan trọng nhất là tổ chức giới đàn Thiền Lâm. Giới đàn này tổ chức từ mồng một đến ngày mười hai tháng tư năm Ất hợi (1965). Giới đàn có đến ba ngàn giới tử trong đó số giới tử xuất gia lên tới 1.400 vị vừa tỳ khưu vừa sa di. Chương trình của giới đàn như sau:

- Ngày 24 tháng ba các giới tử xuất gia nhập giới đàn.

- Ngày mồng một truyền giới sá di. Thạch Liêm thượng đàn thuyết pháp, có chúa và các quan đến nghe.

- Ngày mồng sáu truyền giới tỳ khưu. Quốc mẫu và vương huynh thiết lễ trai tăng cúng dường các vị tăng sĩ mới thụ giới, và ghi chép lời pháp ngữ của Thạch Liêm.

-Ngày mồng tám tháng tư, Phật đản, làm lễ trao Bồ Tát giới cho chúa Nguyễn Phúc Chu, quốc mẫu, công chúa và những người quyến thuộc trong nội cung. Lễ truyền giới được tổ chức ở chùa Giác Vương Nội Viên trong phủ Chúa. Thạch Liêm viết cho chúa một cuốn sách ngắn, chỉ bày cách tu tập, gọi là Hộ Pháp Kim Thang Thư. Buổi chiều, lễ truyền giới Bồ Tát cho các vương huynh là Lệ Truyền Hầu và Thiều Dương Hầu cùng một số các quan được tổ chức tại chùa Thiền Lâm.

- Ngày mồng chín tháng tư, lẽ truyền giới Bồ Tát cho chư tăng được cử hành tại chùa Thiền Lâm. Các vương huynh công chúa cúng dường trai tăng và thỉnh Thạch Liêm thuyết pháp, rồi ghi chép pháp ngữ.

- Ngày mười hai tháng tư, Thạch Liêm và quốc sư Hưng Liên thống suất hai dãy tân giới tử, tất cả một ngàn năm trăm vị tăng đều mang bình bát, chống tích trượng làm lễ "cổ Phật khất thực" trong thành phố, và đến phủ chúa tạ ơn chúa Nguyễn đã thành tựu công đức cho đại giới đàn. Lễ cúng dường cơm chay được thiết lập tại phủ chúa. Giới đàn bế mạc chiều hôm ây.

Trong giới đàn này, giới điệp cấp phát cho giới tử đều có đóng kèm ấn của phủ chúa.

Một giới đàn khác sau đó đã được tổ chức tại chùa Di Ðà ở Hội An ngày mồng bảy âm lịch năm ấy. Khoảng trên ba trăm người đã xin thụ giới. Giới đàn ở đây được tổ chức rất đơn giản, nhưng giới điệp cũng được đóng kèm ấn chúa.

Giới đàn Thiền Lâm có một tầm quan trọng lớn. đó là một giới đàn tổ chức cho cả nước; các tỉnh đều có giới tử về thụ giới. Ta nhớ là thiền sư Liễu Quán cũng đã từ Phú Yên ra để thụ giới sa di ở giới đàn này. Phái Tào Ðộng trước kia chỉ có ảnh hưởng ở Quảng Nam, nay đã lan ra khắp xứ.

Ðáng lý thiền sư Thạch Liêm đã về từ tháng bảy âm lịch năm đó, nhưng vì gió bão cản trở nên ông lưu lại Ðại Việt để dưỡng bệnh. Từ Hội An ông được chúa Nguyễn Phúc chu cho người vào đón ra chùa Thiên Mụ. Ông ở Thiên Mụ cho đến ngày 24 tháng sáu năm tới mới xuống thuyền về Quảng Ðông, Thạch Liên qua Ðại Việt năm 62 tuổi, mất năm 71 tuổi (1704).

CON NGƯỜI CỦA THẠCH LIÊM

Thiền sư Thạch Liêm là một nghệ sĩ. Ông sở trường về nhiều môn: thi văn, hội họa, chữ viết, thủ công. Mao Tế Khả đề tựa tạp thơ Ly Lục Ðường của Thạch Liêm đã viết:

"Trượng nhân là bậc bác nhã khôi kỳ, càng sở trường về thi ca; cho đến các môn như tinh tượng, lịch luật, diễn xạ, lý số, triện lệ, đơn thanh, môn nào cũng siêu việt".

Chùa Trường Thọ ít ra cũng có đến một trăm tăng sĩ. Những vị theo Thạch Liêm qua Ðại Việt đã hơn năm mươi người rồi. Vì giới tiểu thủ công nghệ nên Thạch Liêm tổ chức kinh tế tự túc trong chùa. Với gỗ lê, gỗ đàn, đồng thau, đá hoa, chùa đã chế ra nhiều dùng có giá trị nghệ thuật như bàn, ghế, bình phong, cẩm đôn, hộc tộ, bát, đĩa, v.v... Chùa cũng tổ chức dệt vải lụa. Thạch Liêm là một họa sư, những bức họa của ông rất được khen ngợi. Trong tập Họa Gia Thi Sở đời Thanh tác giả là Lý Tuấn Chi viết về Thạch Liêm như sau: "Ðại Sán tự Hán Ông, người Lĩnh Nam, tu ở chùa Kim Lăng, có tài vẽ chân dung khéo. Năm Mậu ngọ, đời Khang Hy (1678), ông có vẽ cho Trần Gia Lăng một bức hình, có đề lời, mặt đẹp râu dài, tinh thần hoạt bát, thời ấy hầu như khắp danh nhân trong nước đều có đề vịnh. Có biên soạn Ly Lục Ðường Tập".

Nhờ có cơ sở kinh tế tự túc, không những chùa Trường Thọ được Thạch Liêm kiến thiết mau chóng, mà rất nhiều văn nghệ sĩ nghèo trong nước cũng được ông giúp đỡ. Sự giao du của ông với văn nghệ sĩ trong xứ rất rộng. Tập thơ Ly Dục Ðường của Thạch Liêm có phụ đính 34 bức tranh do tác giả vẽ nên có văn của các danh sĩ như Khuất Ông Sơn, Thanh Lê, Dược Ðình, Vương Thế Trinh, Từ Phàm, Ngô Ý, Ngô Thọ Tiềm và Cao Tằng Vân đề ở lạc khoản. Tập thơ lại có thới mười mấy danh sĩ đề tựa. Nói tóm lại là ông giao thiệp thân mật với hầu hết các văn nhân nổi tiếng của thời đại ông.

Cũng vì tiếng tăm của ông lững lẫy như thế nên có nhiều kẻ ghen ghét và chống đối ông kịch liệt, cho ông là "ngạo mạn, dối trá, buôn lậu", v.v... Thực ra tính ông cương trực và ưa nói thẳng nên bị nhiều người ghen ghét. Vì bị dèm pha cho nên năm 1702 ông bị quan án sát Quảng Ðông là Hứa Tự bắt giam tra hỏi, rồi đuổi về Cống Châu, Giang Tây. Ở Cống Châu, ông lại mở đạo tràng ở chùa Sơn Tự; tăng đồ quy tụ rất đông và đạo tràng lại bành trướng lớn lao như cũ. Quan sở tại là quan tuần vũ Giang Tây lại cho bắt ông áp giải về nguyên quán. Ông chết trên đường đi. Ðó là vào năm 1704.

Quan án sát Quảng Ðông Hứa Tự Hưng là người thế nào? Năm 1695, khi còn làm chức đồng tri ở Mân Châu, ông đã bị cách chức vì tội làm nhục thuộc viên và hạch sách đòi ăn hối lộ, tiền bạc, ngựa... Qua năm 1699 nhờ tiền bạc được phục chức, và sau đó được bổ đi án sát Quảng Ðông. Một người như thế cố nhiên không thể chịu nổi thái độ ngang ngạnh của một ông thầy tu nghệ sĩ như Thạch Liêm, cố nhiên cũng không mang chịu cúi đầu khuất phục một vị quan quyền như thế. Tâm sự của ông về việc bị ganh ghét được ông tỏ bày chút ít trong sách Hải Ngoại Sự Ký(91). Ông viết: "Lại còn một bọn người ngu dốt làm ma làm quái, bới lông tìm vết, bày đặt chuyện thị phi. Nhưng chuyện thị phi ấy đâu có rõ ràng; chúng chỉ vì lòng ghen ghét cho nên tự trong bóng tối khuấy cho sóng động mòi xao, bày chuyện đặt điều làm cho người ta không chịu nổi để khoái chí mình. Nhưng ta đâu có nao núng, bởi việc đều vô ảnh vô tông, tất cả đều trôi theo dòng nước. Những thử thách kia chỉ làm cho ý kiến thêm tinh, hạnh nguyện thêm vững, càng mài không mòn, càng nhuộm càng không đen. Rốt cuộc bọn họ lại giúp ta như thầy nghiêm bạn tốt vậy".

Sách Hải Ngoại Kỷ Sự cũng phản ánh tính cương trực của Thạch Liêm. Cái gì ở xứ khách mà ông muốn khen thì ông khen, còn cái gì ông muốn chê là ông chê. Sự khen chê có khi không chính xác, vì sự thấy nghe của ông về văn hóa và phong tục Ðại Việt có khi không được rộng rãi và minh xác; cũng có thể vì ông lấy văn hóa Trung Quốc làm tiêu chuẩn để xét đoán văn hóa Ðại Việt khiến ta có thể không bằng lòng khi đọc Hải Ngoại Kỷ Sự. Tính nói thẳng là một tính rất tốt, nhưng sự nhận xét không được thấu đáo là một khuyết điểm. Dù sao, ông đã phải trả một giá quá dắt về tính nói thẳng của ông.

Một điều đáng tiếc trong cuộc du hành Ðại Việt của ông là, ngoài quốc sư Hưng Liên là đệ tử của ông, ông không được gặp những cao tăng khác lúc bấy giờ đang hành đạo tại Ðại Việt. Trong số những vị này, có những vị từ Quảng Ðộng tới như ông. Hải Ngoại Kỷ Sự không hề nhắc đến những vị như Tử Dung, Tế Viên, Pháp Hóa, Từ Lâm, Minh Hải, v.v... nghĩa là những vị đang chủ trương các đạo tràng lớn lúc bấy giờ như Ấn Tôn, Quốc Ân, Chúc Thánh, Từ Lâm, Thiên Thọ... Ông đã không có sự cộng tác của các vị cao tăng có mặt lúc bấy giờ ở Ðại Việt., ngay trong giới đàn chùa Thiền Lâm. Sự kiện này có nhiều lý do. Lý do đầu tiên là ông thuộc phí Tào Ðộng. Lý do thứ hai: ông là khách đặc biệt của quốc vương. Lý do thứ ba là bài bố cáo mà ông viết cho dán ở các chùa trong xứ nhiều tháng trước ngày khai mạc giới đàn Thiền Lâm đã tự đánh giá sự hành đạo tại Ðại Việt quá thấp.

Ðã đành vì chiến tranh giữa Ðàng Trong và Ðàng Ngoài đã khiến cho nhiều trai tráng cạo đầu đi tu để trốn lính, và do đó số tăng sĩ thất học trở thành đông đảo, nhưng sự giáo hóa trong gần nữa thế kỷ của một số các vị cao tăng (như Nguyên Thiều chẳng hạn) có mặt đã tạo được một số trung tâm tu học chân chính đáng kể. Ðiều này không hề được nói đến trong bài bố cáo của Thạch Liêm. Bài bố cáo để ra nhiều trang công kích những vị tăng không chân chính. Ví dụ ông viết: "Có kẻ giày cỏ chưa mang qua một đôi, cửa chùa chưa bước qua hai bậc, một ngày kia khi làm ông thầy, sợ người ta biết rõ chân tướng, mới làm bộ lim dim con mắt, sửa giọng thanh cao, làm trò giải thoát. Những hạng người đó lạm dự vào hàng sa môn chẳng biết hổ thẹn, mượn danh hiệu Phật làm chuyện bán buôn, điều to lớn cho đạo là chỗ ấy". Rồi ông kết luận: "Trong buổi Phật pháp suy vong, há nên lấy ngoa truyền ngoa khiến tăng sĩ khắp nước chẳng biết đạo xuất thế là gì, ù ù cạc cạc trong cơn tùy mộng. Lão tăng chẳng nỡ làm thinh ngồi đó, nên chẳng tránh khẩu nghiệp, nói thẳng vài lời".

Ðúng là thiền sư đã không tránh khẩu nghiệp, đã nói thẳng, nhưng giá ông được Hưng Liên cho biết rõ hơn về tình hình Phật Giáo Ðại Việt thời đó thì khẩu nghiệp ông đã nhẹ hơn và đã ít bị cô lập hơn.

Tuy nhiên, trong bức thư giử cho hữu thừa tướng Tống Công (có lẽ là Tống Phúc Tài) Thạch Liêm công nhận rằng "vì tới Ðại Việt chưa bao nhiêu ngày, nên chưa thấu rõ hết những chỗ ẩn vi của tình trạng", và ông can chính quyền đừng bắt bớ những tăng đồ thất học. Số là trong khi nói chuyện với Thạch Liêm, vị thừa tướng này tỏ ý lo cho sự kiện có nhiều phần tử bất hảo trong giới tăng già, và nói rằng "phải cuốc hết cỏ dại, lúa tốt mới có thể mọc lên", nghĩa là phải trừng trị những tăng đồ thiếu học. Thạch Liêm nói: "Những phần tử tăng già do từ trước đến nay chưa được giáo hóa Phật pháp, không biết rõ thế nào là bổn phận người xuất gia, nay nếu ta bỗng nhiên lấy pháp luật mà trừng phạt họ một cách nặng nề thì đo gọi là "không dạy mà giết", một chính sách "bạo ngược", không phải là chính sách của kẻ nhân từ vì lòng trắc ẩn mà muốn giáo hóa họ". Ông lại đề nghị nên để tăng sĩ giáo hóa tăng sĩ, chính quyền không nên dự vào: "Từ ngày cắt tóc đi tu, người xuất gia từ bỏ gia đình, niệm Phật, tụng kinh, nghĩ rằng mình đã là người đứng ngoài cuộc, thoát khỏi lưới đời, bao nhiêu quyền che chở từ bi đều nằm cả trong tay vị sư trưởng... Chính quyền địa phương thường nên chọn những bậc tôn sư minh chính để chủ trì pháp tịch, thập phương vân thủy đều lấy đó làm nơi nương dựa tinh thần. Người trên nghiêm tu giới luật, lượng sức mà giáo hóa, khiến cho mọi người biết được bổn phận mình mà gắng sức tu trì, dần dần chuyển phàm thành thánh. Căn khí chính đại tự nhiên nắm thẳng lấy con đường hướng thượng mà tinh thần tu hành. Nhưng ở chốn thiền lâm, thánh phàm ở chung, thế nào cũng có kẻ ngu ngoan cuồng vọng làm trái giới pháp. Ðối với những người này thì phải thiết lập thanh quy: tội nhẹ thì sám hối quỳ hương, tội nặng thì trục xuất cởi áo..." Thạch Liêm lại nói rằng không nên trông đời tất cả mọi phần tử tăng già đều trở thành những đại thiền sư. "Vả lại quốc gia thiết lập chùa chiền, chẳng phải chỉ để tạo nên một số tăng sĩ biết "giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm thành Phật", mà cũng là để có những vị tăng sớm hôm đôt hương cầu nguyện cho các bậc cho các bậc thánh minh để ngồi giữ nước, cho trong triều có nhiều bậc hiền lương chính trực biết lấy trung hiếu tiết nghĩa mà giáo hóa, khiến thiên hạ vui lòng làm việc thiện, bốn phương hòa bình, nhà tù bỏ trống... "Lá thứ này Thạch Liêm viết gần một năm sau ngày nói chuyện với Tống Phúc Tài. Có lẽ bức thư này đã ảnh hưởng nhiều đến chính sách tôn giáo của cháu Nguyễn Phúc Chu. Thay vì thanh lọc tăng già bằng những cuộc bắt bớ hay thi cử, triều đình chú trọng đến việc nâng cao uy tín các bậc chân tu địa phương bằng cách ban biển ngạch sắc tứ và câu đối cho những chùa nơi họ hành đạo(92)


TƯ TƯỞNG THIỀN CỦA THẠCH LIÊM

Tư tưởng thiền học của Thạch Liêm có thể diễn tả bằng ba công thức thiền tịnh song tu; Nho Phật nhất trí và Lâm Tào tổng hợp.

Thiền Tịnh Song Tu: Thiền tông và Tịnh Ðộ được phối hợp làm một, và Tịnh Ðộ trở thành một phương pháp hành thiền giản dị mà đại chúng có thể tu tập được. Phật A Di Ðà trở thành tự tính của mọi người, thấy được Phật A Di Ðà tức là thấy được tự tính của chính mình. Hồi Thạch Liêm dự định về nước, mẹ của chúa Nguyễn Phúc Chu là Tống Thị(93) don cơm chay cúng dường, tỏ ý buồn rầu vì sự thầy trò xa cách. Khuyên bà niệm Phật: 'Sự hội họp chia lìa của con người không phải ở nơi hình hài. Nếu quốc mẫu thường xuyên làm việc lành và nhất tâm niệm Phật không chút gián đoạn thì đó là thầy trò được gần gũi mãi mãi. Còn nếu tâm niệm thường theo đuổi việc trần thì dù lão tăng có ở đây hàng ngày đối diện cũng xa cách ngàn dặm, rốt cuộc cũng có ích gì". Quốc mẫu nghe mấy câu trên lấy làm mừng rỡ, cầu xin ông chép lại ý ấy bằng giấy mực mà ngày đêm tuân hành. Sau bữa trai tăng, ông về chùa Thiền Lâm viết một bài kệ ngắn cho bà, tựa đề là: "Nói về Phật A Di Ðà của tự tính" (Tự Tính Di Ðà Thuyết). Bài này có lẽ đã được quốc mẫu giữ gìn thận trọng lắm. Nhưng sau khi bà chết không biết thất lạc về đâu. May nhờ có sách Hải Ngoại Kỷ Sự mà ta còn đọc được trọn bài. Giáo lý Tịnh Ðộ ở đây được diễn tả bằng ngôn ngữ Thiền học: "Vì tôi muốn trở về chùa cũng nên quốc mẫu xin một vài lời lưu lại để trọn đời thọ trì, nguyện đời đời kiếp kiếp thường được thân cận. Cho nên tôi viết những lời sau đây: "Trong các con đường tắt để tu hành, không con đường nào bằng niệm Phật. Niệm Phật cốt ở chỗ dứt bỏ được duyên lự, chỉ nhớ tới sáu chữ, tâm không tán loạn, niệm phải tinh thành, sáng niệm, chiều niệm, niệm cho đến đến chỗ bất niệm, niệm cho đến chỗ vô niệm, niệm niệm không ngừng, niệm cho thành một khối đạo hợp thể đồng, cùng cao với trời, cùng dày với đất, cùng sáng với nhật nguyệt tinh tú; với sông núi, cây cỏ, nhân, vật, quỷ thần, cùng chung kiếp vận họa phúc, sang hèn, nam nữ, xa gần, qua lại, đó ăn mệt ngủ, hỷ nộ ái lạc... Khi đã cùng vạn vật nhất thể thì nguồn suối Di Ðà không còn là của riêng của ai nữa mà sẽ được tự tâm ý bất loạn của tự mình chảy ra. Ai nói Di Ðà ở Tây Phương, lão tăng ở Quảng Ðông và quốc mẫu ở Ðại Việt? Khi nhất niệm đã bất sinh thì chân thể toàn nhiên hiển hiện vậy. Nếu tán loạn một chút thì xa cách Di Ðà mười vạn tám ngàn dặm, cách xa lão tăng bốn mươi lăm ngày đường. Ðiều đó nếu xảy ra là do quốc mẫu ở bên kia đại dương trên bờ Khước Nguyệt, để cho mây lục căn lay động che mờ bản tâm vậy. Căn cứ vào đây mà bàn chuyện hợp tan thì thấy rằng cái thấy cái nghe của ta chỉ là giả hợp vậy. Ví như trước mặt ta đây có vườn rừng, trúc biếc hoa vàng, đó là vì con mắt chạm sắc trần mà có nhận thức vậy. Như gió lay nước chảy dưới hồ sen kia. Ta cho là có gió lay nước chảy, đó là vì lỗ tai chạm thanh trần mà có những thức vậy. Bốn thức khác là tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức cũng vậy. Ðiều cốt yếu là thấy sắc không nhiễm, nghe thanh không đắm, hai tướng động và tĩnh dứtt bặt không sinh(94). Khắp cõi hư không đều là Tịnh độ duy tâm, tận cùng pháp giới đều là Di Ðà tự tính. Di Ðà đã là tự tính chung thì lão tăng có bao giờ xa {quốc mẫu} đâu? Cho nên biết rằng: khi nhất niệm đã bao trùm thì trong vô lượng kiếp, không có sự tới, đi, cũng không có sự ở lại. Lúc ấy {quốc mẫu} chỉ cần nhớ đến lão tăng thì mười phương hư không tự nhiên đều đáp ứng, đâu cần phải đợi có lão tăng {ngồi trước mắt} để nói dông dài. Thế giới nhiều như vi trần. Lúc đó không còn cách nhau mảy may nào nữa. Chỉ sợ ta thiếu đức tin thôi. Vì quốc mẫu đã có đức tin này và như kinh Hoa Nghiêm nói "đức tin là nguồn của đạo, là mẹ của các công đức, nuôi dưỡng tất cả các pháp lành" cho nên lão tăng tặng cho quốc mẫu pháp danh Hưng Tín và viết cho quốc mẫu một bài kệ để chứng thực cho niềm tin ấy.

Trên có mây bay, dưới có đất

Trong nước Ðại Việt có quốc mẫu

Một tiếng gọi một tiếng ứng

Tây thiên Ðông độ còn tổ nào

Chẳng thấy Tần quốc phu nhân Bàng Ðạo Bà

Vỗ tay không dùng đến tay múa?

Chẳng thấy trên lầu Hoàng Hạc tên nghìn Phật.

Thôi Hạo đề thơ, Trương Chuyết bổ?

Nếu chẳng như vậy, tam muội người, ta biết đâu?

Hai chức Trịnh Từ cũng khôn rõ.

Di Ðà với ta chẳng đồng thời.

Vậy mà ngồi nằm không xa nhau

Nếu bảo xa nhau mất nhau mãu

Cây cung vua Sở ai tìm lại?

Câu hỏi nằm nơi câu trả lời

Câu trả lời nằm nơi câu hỏi

Tam thân cùng chung, khách chủ hai

Ði Nam về Bắc cũng là đây

Nếu biết ngày nay là ngày nào

Thì rõ năm sau là năm trước". 



Nho Phật nhất trí: Ngay trước giời đàn thiết lập tại chùa Thiền Lâm năm 1695, Thạch Liêm viết hai câu đối sau đây:

"Thích thị trì luật, nho giả lý trung, tổng yéu tu thân thành ý, tự nhiên kính trực hồ nội, nghĩa phương hồ ngoại;

"Quân tử sắc cơ, thiền nhân tập định, đồng quy kiến tính minh tâm, đoan do giới thận bất đổ, khủng cụ bất văn"

dịch:

"Phật gia trì giới, nho giả lý trung, cốt ở thành ý tu thân, tự nhiên ngoài có nghĩa phương, trong có chính trực;

"Quân tử sắc cơ, thiền nhân tập định, đều về minh tâm kiến tính, cũng vì răn nơi chẳng thấy, sợ chỗ chẳng nghe".

Thạch Liêm là người học rộng nghe nhiều, ông có kiến thức vững vàng về Nho học. Ý tưởng Nho Phật nhất trí của ông được thấy rõ ràng trong phần đầu của lá thư "Hộ Pháp Kim thang" mà ông viết tặng chúa Nguyễn Phúc Chu ngày chúa thu giới Bồ Tát:

"Con đường thế gian và xuất thế gian không có hai nẻo. Bên Nho giáo, Ðường Ngu thì nói trung, Khổng Tử thì nói nhất, sách Trung dung thì nói thành. Danh từ bất đồng mà cội nguồn là một. Nhất là gì? Là tâm mà thôi vậy. Ðược cái nhất ấy mà tâm được chính, rồi lấy đó mà tu thân thì thân được tu, lấy đó mà tề gia thì gia được tề, lấy đó mà trị quốc thì quốc được trị. Không những thế mà bất cứ trong công việc nào, từ việc dùng người cho đến việc hành chính, quân sự, hình luật, lễ nhạc... từ việc nhỏ đến việc lớn, không có việc gì mà không hiểu biết một cách minh bạch và không được xử sự một cách thỏa đáng. Trời nhờ nhất mà trong, đất nhờ nhất mà yên, vua nhờ nhất mà thiên hạ thái bình, đó là con đường kia vậy.

Ðức Thế Tôn Ðại Hùng của chúng ta vì một đại sự mà con người chưa có thể giải quyết được cho nên mới thiết lập giáo pháp đặc biệt của Ngài: đó là phương pháp bỏ hết căn trần, không lập văn tự, chỉ thẳng lòng người, thấy tính thành Phật, lấy tâm in tâm. Cho nên ở Tây Thiên và Ðông Ðộ có chia ra làm năm tông phái, các thế hệ đã kế tiếp nhau mà ấn chứng, không ngoài mục đích giải quyết đại sự đó.

Biết rằng tính quy nguyên chỉ là một, nhưng cửa phương tiện có nhiều cách: Ðạo của Nho gia kiến lập pháp hữu vi, duy trì mà không cần biện luận; đạo của Phật gia gảng bày lý vô thường, bàn luận mà không cần thành lập. Bởi vậy cho nên trong bốn mươi chín năm hành đạo, Ðức Thế Tôn chưa nói một chữ nào".

Trong bản điều trần Thạch Liêm đưa lên chúa Nguyễn ông đề nghị bốn điều. Ðiều thứ tư là mở trường để đào tạo nhân tài. Ông đề nghị "dựng nhà quốc học, tôn thờ Khổng Thánh, tàng trữ sách Nho và mời các nhà lýhọc danh nho ra làm thầy để giảng minh đạo Thánh(95)

Lâm Tào tổng hợp: những đặc tính của thiền phái Tào Ðộng như nguyên tắc Ngũ Vị Quân Thần, Chỉ Quán Ðả Tọa, v.v... không thấy nhắc đến trong thiền ngữ và thi văn của Thạch Liêm lại hay nêu ra thoại đầu và công án rất thịnh hành trong phái Lâm Tế. Ví dụ trong "Hộ Pháp Kim Thang Thư" viết cho chúa Nguyễn Phúc Chu, ông đề nghị chúa tham khảo thoại đầu Ai là chủ nhân của ta (như hà thị ngã chủ nhân công) như sau:

"Lão tăng không có phương pháp gì xảo diệu, chỉ mời quốc vương tham khảo thoại đầu Ai làm chủ nhân của ta? Tham khảo mà đừng mộng tưởng, đừng lấy ý thức mà trắc độ, đừng đem nghĩa lý mà thuyên giải. Cứ đưa thoại đầu không mùi vị không công phu ấy lên đặt trong tâm mình, ngày ba lần, đêm ba lần, miệng lẩm nhẩm, quyết tìm cho ra ý chỉ. Bất luận khi chủ tọa triều chính hay lúc đốt trầm lạy Phật, cho đến những lúc uống trà, ăn cơm, khi mừng, khi giận, khi cùng quân thần tiếp kiến, lúc hầu hạ mẫu thân, khi gặp mặt vợ con, lúc đi đứng ngồi nằm, khi gặp cảnh ưa ghét, lúc ngồi nhà một mình... không khoẳnh khắc nào được buông lơi thoại đầu.... Chớ nói rằng thoại đầu không có ý vị. Chính trong thoại đầu không có ý vị ấy mà có thể tìm ra ý vị tuyệt hảo. Chớ cho thoại đầu ấy là không có công phu: chính nơi chỗ không có công phu kia
Tin mới
Video Clips
  • DIỄN VĂN ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN
  • LỄ HỘI CHÙA ĐỀN - LÀNG THỌ VỰC - XUÂN ĐINH DẬU - NĂM 2017 - PHÂN 01
  • LỄ HỘI ĐỀN CHÙA LÀNG THỌ VỰC - XÃ XUÂN PHONG - XUÂN ĐINH DẬU - NĂM 2017
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
CHÙA THỌ VỰC 
Tổ đình Tào Động Thiền phái Phật giáo
Address: xã Xuân Phong – huyện Xuân Trường – tỉnh Nam Định
Tel/Fax: 0228.3888114      Email: chuathovucnd@gmail.com       Fb: www.facebook.com/thientho.vn
Chịu trách nhiệm: Viện chủ Tổ đình, Thượng tọa: Thích Đức Toàn (Thanh Đoàn)