Lịch sử truyền thừa Thiền phái Tào Động Nam Định thuộc Tổ Đình Chùa Thọ Vực
Thiền phái Tào Ðộng được truyền vào Ðại Việt từ thế kỷ thứ mười bảy, cả ở Ðàng Ngoài lẫn Ðàng Trong.

Thiền phái này có hai thiền sư Ðộng Sơn và Lương Giới (807-869) và Tào Sơn Bản Tịch (840-901) sáng lập, vị thứ hai là đệ tử của vị thứ nhất. Ðạo tràng của Bản Tịch là ở Sùng Thọ Viện núi Tào Sơn, Giang Tây. Sau đó một đạo tràng khác được mở tại Ngọc Hà Sơn. Hai nơi ấy là cứ điểm của phái Tào Ðộng.
Nói đến phái Tào Ðộng là nói đến nguyên tắc năm địa vị (ngũ vị) giữa thẳng (chính) và nghiêng (thiên). Ý niệm về địa vị giữa thẳng và nghiêng vốn là của Ðộng Sơn. Tào Sơn đã xếp đặt và trình bày lại ý niệm ấy, và truyền lại cho thế hệ kế tiếp. Thẳng ở đây tượng trưng cho tuyệt đối còn nghiêng tượng trưng cho tương đối. Tống Nho sau này có ý niệm về Lý và Khí rất tương tự với ý niệm về thẳng và nghiêng này.

Ðộng Sơn nói: "Có một vật trên thì chống trời, dưới thì đỡ đất. Nó đen như sơn, luôn luôn chuyển dịch và họat động". Ðó là cái Thẳng. Cái thẳng còn có nghĩa là Tuyệt Ðối, là nền tảng của trời đất và muôn loài. Cái tuyệt đối ấy vốn không thể nắm bắt bằng khái niệm, không thể diễn tả được bằng ngôn từ.

Còn cái nghiêng? Cái nghiêng là khi cái thẳng đi vào thế giới hiện tượng, thế giới của sự vật tương đối.

Tuy nhiên, Thẳng và Nghiêng không phải là hai vật khác nhau: tương đối là đối vơi tuyệt đối mà có, tuyệt đối là đối với tương đối mà thành. Cũng như sóng là nước, nước là sóng. Sóng tuy nhiều nhưng là một, nước tuy một mà là nhiều. Thẳng và chân không, nghiêng là diệu hữu.

Sự liên hệ giữa Thẳng và Nghiêng làm thành năm địa vị như sau:

1) Cái thẳng đi vào cái nghiêng (Chính trung thiêng): Vì cái Tuyệt Ðối nằm trọn trong cái tương đối nên ta có thể hiểu được cái Tuyệt Ðối qua cái Tương Ðối. Ðộng Sơn có nói: "Trong cái Tuyệt Ðối đã có cái Tương Ðối rồi, nếu không thì hóa ra cái Tuyệt Ðối có trước cái Tương Ðối sao?"

2) Cái nghiêng đi vào cái thẳng (Thiên trung chính). Vì cái Tương Ðối chỉ có thể có do nhờ cái Tuyệt Ðối, cho nên trong cái Tương Ðối phải xáp mặt cho được cái Tuyệt Ðối. Ðộng Sơn lại nói: "Cái Tương Ðối đã có trong cái Tuyệt Ðối rồi, nếu không thì hóa ra cái Tương Ðối có trước cái Tuyệt Ðối sao?"

3) Cái nghiêng trong tự thân của nó (Chính Trung lai). Ðây là cái Tuyệt Ðối trong tư thế tuyệt đối của nó, không được nhận thức qua liên hệ bản thể - hiện tượng. Ðây là pháp thân, là chân như.

4) Cái nghiêng trong tự thân cả nó (Thiên trung chi). Ðây là cái Tương Ðối trong tư thế tương đối của nó, không được nhận thức qua liên hệ bản thể - hiện tượng. Ðộng Sơn ví trường hợp này như là trường hợp hai người đang đấu kiếm với nhau, không bên nào áp đảo được bên nào. Hoặc là một bông sen nở trong lò lửa, không hề bị lửa cháy xém. Người đạt đến vị trí này là người đã thâm nhập thế giới pháp thân và trở ra tung hoành nơi thế giới hiện tượng.

5) Cái thẳng và cái nghiêng trong cùng một tự tính (Kiên trung đáo). Tới vị trí này thì mọi phân biệt giữa Tuyệt Ðối và Tương Ðối, bản thể và hiện tượng, không còn nữa.

Năm vị trí giữa thẳng và nghiêng cũng được giải thích bằng năm sự liên hệ giữa vua và tôi (ngũ vị quân thần). Có vua là vì có bầy tôi, có bầy tôi là vì có vua:

1- Vua trông thấy bầy tôi.

2- Bầy tôi hướng về vua

3- Vua (một mình)

4- Bầy tôi (một mình)

5- Vua và bầy tôi (bên nhau).

Sau này trong phái Tào Ðộng, những chủ trương sau đây dần dần lại được hình thành:

1) Chỉ cần ngồi thiền mà không cần chủ đề thiền tọa (chỉ quán đả tọa)

2) Ngồi thiền và đạt đạo là một việc chứ không phải là hai (tu chứng nhất như)

3) Không trông chờ sự chứng đắc (vô sở đắc)

4) Không có đối tượng giác ngộ (vô sở ngộ)

5) Tâm và thân nhất như (thân tâm nhất như)

Những nguyên tắc trên dần dần được áp dụng trong các thiền phái khác. Thiền sư Phân Dương (947- 1024) của phái Lâm Tế chẳng hạn cũng đã sử dụng khái niệm về năm vị trí giữa cái thẳng và cái nghiêng. Khái niện "vô đắc" cũng rất được phổ thông trong thiền phái Lâm Tế. Ngược lại, lối dùng thoại đầu cũng được áp dụng trong thiền phái Tào Ðộng.

Vào thế kỷ thứ mười bảy, khi phái Tào Ðộng truyền sang Ðại Việt thì những khác biệt giữa hai tông phái hình như không còn bao lăm nữa.
Tin mới
Video Clips
  • DIỄN VĂN ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN
  • LỄ HỘI CHÙA ĐỀN - LÀNG THỌ VỰC - XUÂN ĐINH DẬU - NĂM 2017 - PHÂN 01
  • LỄ HỘI ĐỀN CHÙA LÀNG THỌ VỰC - XÃ XUÂN PHONG - XUÂN ĐINH DẬU - NĂM 2017
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
CHÙA THỌ VỰC 
Tổ đình Tào Động Thiền phái Phật giáo
Address: xã Xuân Phong – huyện Xuân Trường – tỉnh Nam Định
Tel/Fax: 0228.3888114      Email: chuathovucnd@gmail.com       Fb: www.facebook.com/thientho.vn
Chịu trách nhiệm: Viện chủ Tổ đình, Thượng tọa: Thích Đức Toàn (Thanh Đoàn)